Tổng Bí Tô và Tổng Bí Nông – 2 “gã mù” và một con đường!

Chính sách tinh giản của ông Tô Lâm đang khiến chính quyền náo loạn, thúc đẩy toàn Đảng lao vào cuộc đua nước rút, tranh nhau giữ ghế.

Có vẻ như, Bộ Nội vụ muốn bất tuân chính sách này, khi tuyên bố “không bỏ lại ai phía sau”. Rồi Hà Nội lại viện lý do “đặc thù”, để không sáp nhập một số cơ quan… Dễ thấy, bên trên ban bố chính sách tinh giản, nhưng bên dưới lại tìm mọi cách để cản đường. Đây là hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”, đã tồn tại từ lâu trong Đảng Cộng sản.

Bộ máy nhà nước song trùng – gồm bộ máy nhà nước và bộ máy Đảng – đã tồn tại từ khi Đảng “cướp chính quyền” đến nay. Chính nó đã hút cạn nguồn lực của đất nước, của dân tộc. Bởi người dân đang phải còng lưng gánh bộ máy Đảng, cùng với rất nhiều cánh tay nối dài của Đảng, như: Liên đoàn Lao động, Mặt trận Tổ quốc, các hội/ hiệp hội vv… Đảng vô tư móc tiền túi của dân để nuôi những thành phần ăn hại này. Đã vậy, thành phần này không những không giúp được gì cho dân, mà còn làm tay sai cho Đảng để giám sát dân, khiến cho xã hội ngày càng ngột ngạt.

Năm 1999, người từng giúp cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh “sửa sai” kịp thời (theo cách nói của Đảng là “đổi mới”) – Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh đã xác nhận với một kênh truyền thông lớn nước ngoài rằng, cải cách ở Việt Nam đến đây là bế tắc. Nguyên nhân được cho là Đảng không mở cửa cho trí thức ngoài Đảng – những người có tâm có tài – tham gia lãnh đạo đất nước.

Lời góp ý của Tiến sĩ Oánh chỉ là “đàn gảy tai trâu” đối với Cộng sản. Họ không nghe, không hiểu, nhưng lại rất ngạo mạn, tự đánh giá quá cao bản thân, trước những thành công bước đầu của công cuộc “đổi mới”. Vì thế, Đảng tiếp tục hành động theo ý Đảng, không tiếp thu ý kiến của các bậc trí thức.

Năm 2006, tại Đại hội 10, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tuyên bố hùng hồn rằng: Đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp tiến bộ. Mười năm sau, năm 2016, Đảng Cộng sản đành thừa nhận mục tiêu của ông Nông Đức Mạnh đã thất bại hoàn toàn, chứng thực đánh giá của Tiến sĩ Oánh.

Sau thất bại của ông Nông Đức Mạnh, đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ thể chế cũ, vẫn giữ nguyên các cơ chế cũ, thì lấy đâu ra con đường để dân tộc “vươn mình”, như Tổng Bí thư Tô Lâm dõng dạc tuyên bố.

Đất nước Venezuela, từ một quốc gia giàu có, sau khi đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa kiểu Cộng sản độc tài, thì trở nên nghèo đói. Cho nên, có thể thấy, thể chế chính trị quyết định rất lớn đến khả năng vươn mình của dân tộc.

Giải Nobel Kinh tế năm 2024 được trao cho 3 nhà kinh tế học, đó là ông Daron Acemoglu (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ), ông Simon Johnson (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ) và ông James Robinson (Đại học Chicago, Hoa Kỳ). Điều đáng nói là, các nhà kinh tế học hiện đại này khẳng định, nguồn gốc của sự giàu nghèo giữa các quốc gia, là do thể chế.

Tuy nhiên, lại một lần nữa, kết quả nghiên cứu của 3 nhà khoa học đoạt giải Nobel Kinh tế, lại tiếp tục trở thành một loại tiếng đàn, gảy vào “tai trâu” của Tổng Bí thư Việt Nam.

Ông Tô Lâm luôn miệng hô hào về một “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, nhưng ông lại không hề có kế hoạch cải tổ thể chế nghiêm túc, ngoài chính sách tinh giản, vốn thực chất là cuộc thanh trừng nội bộ. Ông vẫn giữ nguyên hệ thống song trùng cồng kềnh, giữ nguyên những cơ chế lạc hậu vốn kéo lùi sự phát triển của đất nước. Như vậy, con đường nào để dân tộc “vươn mình”?

Dễ thấy, cả ông Nông Đức Mạnh và ông Tô Lâm, đều là 2 “gã mù”, cùng bước chung trên con đường Xã hội Chủ nghĩa mờ mịt. Đấy là thất bại được định trước cho cái gọi là “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

 

Thái Hà – Thoibao.de