Ngày 3/1, RFA Tiếng Việt có bài bình luận: “VinFast: văn hoá doanh nghiệp và vấn đề thể chế”.
Theo đó, RFA cho hay, Hãng xe hơi VinFast của tỷ phú bất động sản Phạm Nhật Vượng tiếp tục gặp rắc rối do cách ứng xử với sản phẩm và với khách hàng.
Kỹ sư Hazar Denli, người nói bị trả thù vì đã công bố các lỗi thiết kế gây mất an toàn của xe VinFast, mới đây đã nộp đơn khiếu nại tố giác lên Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia của Hoa Kỳ về các lỗi gây mất an toàn xe của xe điện Vinfast.
Đây không phải là lần đầu tiên VinFast bị vướng vào thị phi vì liên quan đến cách ứng xử thiếu văn minh với khách hàng và sản phẩm do mình cung cấp.
Theo RFA, VinFast đã ứng xử theo 2 cách khác nhau, khi đối diện với cùng một sự chỉ trích, phê phán ở Việt Nam và Hoa Kỳ.
RFA trích dẫn đánh giá của hãng tin nước ngoài, cho biết, chuyên đánh giá xe hơi, đã công bố kết quả lái thử xe VinFast và đưa ra những nhận xét tiêu cực, gọi xe điện VinFast là chiếc xe “tệ nhất thế giới”. Đáp lại, VinFast đã bỏ công ra khắc phục các lỗi bị chỉ ra và mời nhóm này tới thẩm định lại.
Kết quả là họ đã nhận được những lời nhận xét tích cực hơn từ nhóm YouTubers người Mỹ trong một video đăng ngày 29/2/2024.
Trước đó, đối với những lời phê phán tương tự ở Việt Nam, VinFast lại không thực hiện cách làm cầu thị tương tự. Họ chọn cách báo công an. Khi được hãng tin nước ngoài phỏng vấn năm 2021, VinFast cho rằng mình tố cáo khách hàng với công an, vì đó không phải là một “khiếu nại thông thường” và cần “bảo vệ uy tín”.
RFA dẫn lời Tiến sỹ Nguyễn Quốc Tấn Trung ở Đại học Victoria, Canada, nhận xét về 2 cách ứng xử khác nhau của VinFast đối với 2 nhóm công chúng khác nhau ở Việt Nam và Hoa Kỳ, cho rằng, thái độ khác biệt một trời một vực giữa VinFast đối với các YouTubers người Mỹ, và với một vài nhà quan sát nhỏ ở Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề.
Thứ nhất, các YouTubers ở Mỹ có sức ảnh hưởng lớn, mỗi video của họ có hàng triệu views, và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chén cơm manh áo của VinFast tại một thị trường khốc liệt như ở Hoa Kỳ. Trong khi, một số nhà quan sát ở Việt Nam có tham gia đánh giá về VinFast chỉ có lượng công chúng theo dõi chỉ ở mức vài trăm, vài ngàn…
RFA đặt vấn đề, ảnh hưởng tiêu cực của các YouTuber Mỹ lớn hơn các nhà quan sát Việt Nam nhiều lần. Vậy tại sao VinFast phải dùng đến lực lượng chấp pháp để ngăn chặn họ?
Vấn đề thứ 2, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Tấn Trung, cách hành xử này đặt ra câu hỏi liệu “thói quen giao tiếp của VinFast tại Việt Nam có phải là một sản phẩm có tính cơ chế và các đặc quyền lịch sử hay không?”
Vẫn theo RFA, chất lượng của phụ tùng mà VinFast mua về chưa phải là câu chuyện cuối cùng. RFA dẫn lời Tiến sỹ Nguyễn Lê Tiến, từ Mỹ, cho biết các hãng xe lớn như Toyota hay Tesla đều sử dụng mạng lưới các nhà cung cấp linh kiện ở khắp thế giới. VinFast cũng làm như vậy. Nhưng theo Tiến sỹ Tiến, chỉ giống các “ông lớn” về hình thức, còn bản chất thì khác hoàn toàn.
Tiến sỹ Nguyễn Lê Tiến nhận xét rằng đó là sự “khác biệt” theo phong cách “ăn xổi ở thì” kiểu Việt Nam. Kiểu sản xuất xe hơi bằng cách mua phụ tùng về lắp ráp trong khi chưa đầu tư cho nghiên cứu để nắm vững tri thức và kinh nghiệm này cũng nằm trong cùng một “văn hoá” với cách ứng xử với khách hàng. Đó là văn hoá “ăn xổi ở thì” theo cách gọi của ông Tiến. Theo Tiến sỹ Tiến, đây không chỉ là bệnh riêng của VinFast. Muốn sửa chữa nó thì phải sửa chữa ở quy mô hệ thống.
RFA cũng dẫn lời kỹ sư Khiêm Nguyễn, chuyên gia cấp cao về công nghệ và kinh doanh của công ty Voyager Space, một công ty đa quốc gia tại Hoa Kỳ, cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam gặp phải vấn đề về thể chế. Theo ông, nhà nước Việt Nam phải thể chế hóa bằng hiến định để định nghĩa rõ ràng về quyền tư hữu. Không có những định nghĩa rõ ràng này, người dân trong nước có vốn đi nữa cũng không dám đầu tư mà phải phòng thủ cho mình.
Xuân Hưng – thoibao.de